Biếng ăn là một tình trạng khá phổ biến hiện nay ở trẻ em. Mặc dù đây không phải là một căn bệnh nhưng nếu tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về mặt thể chất ở trẻ
Tình trạng biếng ăn gặp khá thường xuyên ở trẻ nhỏ từ 1 - 3 tuổi. Biếng ăn không những gây thiếu dinh dưỡng, rối loạn tăng trưởng mà còn dẫn đến các biến chứng lâu dài. Chưa có một định nghĩa nào về sự biếng ăn, tuy nhiên trẻ mắc phải tình trạng này thường ăn rất ít, chỉ ưa thích một vài loại thức ăn nhất định và tránh thử món ăn mới.
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ, bao gồm các yếu tố tâm sinh lý như: không ngon miệng; sự ảnh hưởng từ những giai đoạn tăng trưởng (trẻ ham chơi không chịu ăn, thiếu vận động ở trẻ lớn); do chế độ ăn không phù hợp, ăn không đúng theo lứa tuổi; do bệnh lý (nhiễm khuẩn, thiếu vi chất, đặc biệt là chất kẽm...), do dùng thuốc không phù hợp (dùng thuốc kháng sinh kéo dài, men tiêu hóa, khuẩn ruột kéo dài,...).
Do đó, muốn rõ nguyên nhân, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám, đánh giá về tình trạng dinh dưỡng, chẩn đoán xác định đúng nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Tạo chế độ ăn phù hợp, đủ chất dinh dưỡng để tránh trẻ biếng ăn Ảnh: MH
Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng, trẻ biếng ăn chỉ ảnh hưởng đến thể trạng như chiều cao và cân nặng. Nhưng thực tế, biếng ăn có thể dẫn đến những ảnh hưởng không mong muốn cho trẻ như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng. Biếng ăn cũng dẫn đến tình trạng mất cân đối các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ; rối loạn tăng trưởng; ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy trí tuệ, tâm sinh lý và tính cách của trẻ.
Để khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ, các bậc phụ huynh cần bổ sung chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ phù hợp với từng độ tuổi, từng giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, khi trẻ chưa mọc đủ răng, phụ huynh phải chọn những thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa. Các bậc phụ huynh phải tạo cho trẻ chế độ ăn đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng.
Thức ăn được chia thành 4 nhóm và trẻ cần được ăn đủ cả 4 nhóm này trong từng bữa ăn: nhóm bột đường (gạo, khoai, ngô,...); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, cua, tôm, đậu,...); nhóm chất béo (dầu ăn, mỡ, vừng, lạc,...); nhóm vitamin và chất khoáng (rau, quả,...).
Bên cạnh đó, thực đơn và khẩu phần ăn của trẻ cần phải đa dạng, phong phú để kích thích trẻ thèm ăn. Ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày, phụ huynh nên chú ý đến những bữa phụ. Chẳng hạn như trẻ 6-12 tháng, ngoài sữa mẹ, cho trẻ ăn thêm ít nhất 3 bữa bột/ngày; trẻ 12-24 tháng, ngoài sữa mẹ, cho trẻ ăn thêm 5 bữa bột/ngày (3 bữa cháo chính và bữa phụ hoa quả, sữa hoặc bánh); trẻ từ 2-5 tuổi, ngoài 3 bữa cơm chính với gia đình, cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ hoa quả, sữa hoặc bánh.
Cần lưu ý, trẻ cần ăn nhiều bữa trong một ngày vì dạ dày của trẻ nhỏ chứa được ít thức ăn nhưng nhu cầu về năng lượng và phát triển của trẻ lại rất lớn.