Trong số trẻ bị dị ứng thực phẩm thì tỉ lệ trẻ dưới 6 tuổi chiếm đến 50%. Hầu hết các trẻ khi lên 3 sẽ ít bị dị ứng do hệ tiêu hóa đã được phát triển vững vàng hơn.
Dị ứng thực phẩm có chiều hướng phát triển theo hướng thừa hưởng từ cha mẹ. Các thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao hầu hết là những thực phẩm giàu đạm, trong đó 90% thuộc về lòng trắng trứng sống hoặc chưa chín hẳn, sữa (hay gặp là sữa bò), đậu phộng, thịt bò, cá biển, hải sản tươi sống… Cá biển bị ươn cũng gây dị ứng do có nhiều histamin.
Biểu hiện của dị ứng thực phẩm rất khác nhau cả trên cùng một cơ thể, thay đổi tùy thuộc vào mức độ, thời gian và số lượng thực phẩm ăn vào. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện ngay sau khi ăn, thường trong vòng 24-48 giờ.
Biểu hiện có thể là da bị mẩn đỏ gồ lên ở bất cứ vùng nào trong cơ thể và rất ngứa (mày đay), sưng quanh miệng, trường hợp nặng có thể nổi bóng nước hoặc tróc lở da ở những lỗ tự nhiên như mũi, miệng, hậu môn… cũng có thể chỉ là biểu hiện hắt hơi, nhảy mũi, khò khè khó thở, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân máu…
Khi nghi ngờ trẻ dị ứng một loại thực phẩm nào đó, cách xử trí tốt nhất là ngưng sử dụng thực phẩm đó. (Ảnh minh họa).
Các dấu hiệu dị ứng này thường có xu hướng ngày càng tăng lên nếu cơ thể lại tiếp xúc với dị nguyên (chất lạ) đó trong những lần sau. Nặng nhất là tình trạng sốc phản vệ gây khó thở, tim đập nhanh, tụt huyết áp, tay chân lạnh…
Nếu nghi ngờ dị ứng một loại thực phẩm nào đó thì cách xử trí tốt nhất là ngưng sử dụng thực phẩm đó. Sau một vài tháng có thể thử sử dụng lại với số lượng ít và theo dõi các dấu hiệu dị ứng, nếu lại xảy ra sau 2 - 3 lần thử như vậy thì nên đưa thực phẩm đó là danh sách “khả nghi”, nếu không thì phải “giải oan” cho thực phẩm đó vì lần dị ứng đầu tiên có thể là do trùng lắp với thực phẩm khác hoặc nguyên nhân khác.
Cần đi khám bác sĩ khi có dấu hiệu nặng và dùng thuốc giảm dị ứng nếu triệu chứng khó chịu kéo dài, tái phát.
Để phòng ngừa dị ứng thực phẩm, nên cho trẻ nhỏ bú sữa mẹ. Chú ý các loại thực phẩm có thể gây dị ứng hay gặp. Khi bắt đầu cho trẻ ăn giặm, nên có từ 3-5 ngày để tập ăn thức ăn mới, nên bắt đầu với những thức ăn ít có nguy cơ bị dị ứng như dầu mè, rau, thịt heo, cá sông...
Hạn chế cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi. Không nên ăn lòng trắng trứng chưa chín. Cần thông báo cho gia đình, người thân hay nhà trẻ những thức ăn đang gây dị ứng. Với những trường hợp có triệu chứng dị ứng nặng thì nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm