Nếu quan tâm giáo dục con trẻ từ những việc nhỏ hằng ngày, tạo thói quen ứng xử văn hóa, trẻ lớn lên sẽ có tính cách tốt đẹp.
Giáo dục hành vi ứng xử văn hóa được dạy ngay từ khi các bé mới vào mẫu giáo nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho con có dịp thực hành những việc nhỏ để hình thành thói quen tốt.
Dạy từ thuở còn thơ
Hôm rồi, tôi ghé nhà chị Thu chỉ khoảng 15 phút nhưng lại khá bất ngờ với ứng xử của hai mẹ con chị. Mỗi khi Minh - con gái mới 5 tuổi - gọi “mẹ” chị đều “dạ” ngọt xớt. Trong lúc trò chuyện, chị vô ý làm đổ ly nước.
Chị bình thản nói chuyện và nhoẻn cười với Minh: “Con chạy vào bếp lấy khăn lau bàn giúp mẹ với!”. Con bé ù chạy đi lấy rồi lễ phép trao cho chị bằng hai tay. Chị nhận lấy và ngọt ngào nói: “Cám ơn con gái”. Tôi khen mẹ con chị cư xử dễ thương và gần gũi nhau quá. Chị mỉm cười nhìn tôi nói: “Chị đang tạo thói quen cho con bé đấy em ạ!”.
Không riêng gì gia đình chị Thu, ngày nay có nhiều gia đình cũng rèn con kỹ như vậy. Có lần, tôi đứng trên lề đường Điện Biên Phủ chờ con tan học, đang tan tầm nên xe cộ tấp nập. Một bà mẹ chở hai con độ tuổi tiểu học cho xe tấp vào lề đường, nơi có thùng rác công cộng, để con bỏ vỏ hộp sữa vào đấy.
Do bất cẩn, chiếc hộp rơi ra ngoài, chị tắt máy xe bảo con xuống đường nhặt và bỏ vỏ hộp vào thùng rác. Hành động ấy rất đỗi bình thường nhưng lại khiến tôi chú ý và rất ấn tượng. Tôi ấn tượng vì những hành vi có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng còn khá hiếm trên đường phố...
Đừng để trẻ bị sốc
Được dạy bảo cẩn thận, trẻ không chỉ biết hành xử lịch sự mà cũng muốn được người khác cư xử lịch sự với mình. Chị Thu nói bé Minh đôi khi cũng rất khó chịu khi ai đó tỏ ra thiếu lịch sự. Con bé cứ phàn nàn rằng ở lớp các bạn thường mượn tẩy nhưng chẳng có bạn nào nói lời cảm ơn hết.
Chị Mỹ, ở đối diện nhà tôi, kể con trai chị cũng gặp trường hợp tương tự bé Minh. Hôm trước, chị đến trường đón con, thấy nét mặt cháu không hớn hở như mọi khi, chị chưa kịp hỏi thì thằng bé đã vội kéo tay mẹ giục về.
Ngồi sau xe, con thỏ thẻ với giọng buồn xo: “Mẹ ơi, hồi trưa có chú nặn tò he vô trường để nặn tặng cho con và các bạn, mà con không có”. Chị Mỹ ngạc nhiên hỏi: “Sao thế hả con?”, thằng bé ấm ức kể tiếp: “Con đứng chờ chú nặn xong rồi cho mình nhưng các bạn đến sau chen lên lấy trước, lúc chú cho con thì một bạn giựt mất”.
Đáng buồn là lúc đó cũng có mặt một cô giáo nhưng cô không quan tâm đến lẽ công bằng mà cứ để các cháu “tự xử” theo kiểu mạnh được yếu thua.
Sự tiếp sức từ cộng đồng
Nghe con kể, chị Mỹ nói chị cảm thấy thương con quá và... tội nghiệp cho cả các bạn của con, vì các cháu không được chỉ bảo hành vi như thế là kém văn minh, là rất xấu. Việc một đứa trẻ ứng xử có văn hóa ấm ức vì chịu thiệt thòi, theo chị, ở đây có phần do sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của người lớn.
Nếu người nặn tò he hoặc cô giáo có mặt khi ấy, chịu khó quan sát và chỉ cần lên tiếng nhắc nhở: “Cháu nào đến trước nhận trước, đến sau nhận sau, nếu tranh giành sẽ không được nhận tò he”. Bọn trẻ sẽ nghe theo ngay, vì lẽ đầu tiên là muốn có món quà, chúng phải tuân thủ quy định chung chờ theo thứ tự và dần hình thành thói quen tốt.
Việc giáo dục con trẻ ứng xử có văn hóa, trước tiên là trách nhiệm của gia đình, thứ đến là vai trò của nhà trường và cộng đồng. Nếu các bên cùng chung sức “gieo” cho trẻ thói quen tốt, ắt sẽ giúp con trẻ “gặt” được những tính cách đẹp.