Snack's 1967
Chào Mừng Bạn Đến Với Website Của Vũ Thị Mai Anh [vuthimaianh.wap.sh]
WAP TRẺ THƠ
Xuống cuối trang
CON MÈO TRONG TỤC NGỮ ,THÀNH NGỮ VIỆT NAM



Trong bài vè về “Mười Hai Con Giáp”, mèo được phác họa như sau:

… Tuổi Mão, là con mèo ngoao
Hay quấu hay quào, ăn vụng quá tinh.

Mèo là loài thú được thuần dưỡng từ lâu và trở thành một con vật thân thiết, hữu ích đối với các gia đình. Cũng từ rất lâu, nuôi mèo, “chơi” mèo là thú vui của các gia đình – đặc biệt là gia đình khá giả (chẳng hạn, trong giai thoại Truyện Trạng Quỳnh có truyện Ăn trộm mèo).

Trước khi tìm hiểu vấn đề, xin được nói sơ về tên gọi. Ngoài tên gọi quen thuộc thuần Việt là mèo, còn vật này còn được gọi bằng các khác tên như: mão, miêu (Hán Việt), mỉu, miu và gần đây, “dân nhậu” còn “sáng tạo” ra tên gọi mới là “tiểu hổ”!

“Mất điểm” trong quan niệm dân gian

Khảo sát kho tàng tục ngữ, thành ngữ người Việt, chúng tôi nhận thấy rằng, mèo có vẻ bị mất điểm trong quan niệm dân gian. Số câu thành ngữ, tục ngữ có sự xuất hiện của mèo mang nghĩa tích cực không nhiều lắm. Chúng tôi chỉ thấy 4 lần mèo có “phút huy hoàng”. Đó là khi cha ông mô tả cách ăn từ tốn, “ăn nhỏ nhẻ” của mèo và từ đó mượn câu nói “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” để khuyên người phụ nữ về nết ăn. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu. Khi so sánh cách ăn của hai phái này, dân gian đã nói “Nam thực như hổ – nữ thực như miu” là vậy.

Ngoài câu thành ngữ trên, chúng tôi còn thấy thêm 2 câu nữa có ý nghĩa tích cực khi nói về mèo là “Có ăn nhạt mới thương tới mèo”. Câu này ngụ ý nói khi lâm cảnh khổ thì người ta mới biết thương người không may mắn bằng mình. Câu “Mèo con bắt chuột cống” chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi. Riêng câu “Rình như mèo rình chuột” để chỉ ý chí và sự kiên nhẫn, siêng năng khi thực hiện công việc của một ai đó nhưng cũng có nghĩa là chê bai ai đó tò mò, xăm soi chuyện người khác. Câu “Mèo già hóa cáo” ngụ ý nói người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra, nó còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh. Hai câu này có nghĩa trung tính, ý nghĩa kép.

Ngoài những điểm sáng trên, số còn lại là các thành ngữ, tục ngữ mà hình ảnh của mèo được nhìn với cái nhìn tiêu cực. Chẳng hạn như để nói về kẻ hà tiện, bủn xỉn, dân gian nói “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”. Khi chê những người đần độn, ngu ngốc hoặc không có tài năng người xưa cũng lôi mèo vào “Chó gio, mèo mù”. Ai đó tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ thì được mô tả là “Chửi chó mắng mèo” hay khi bực mình người khác mà trút giận qua những con vật nuôi trong nhà thì gọi là “Đá mèo, quèo chó”. Ngay cả một tập tính rất đáng quý – mà con người cũng cần phải học là trước khi đại tiện, mèo thường moi một lỗ để sau khi “hành sự” xong thì chôn dấu đi cũng bị gia chủ nói “Giấu như mèo giấu cứt”. Câu này ý chê những người giấu diếm thứ gì, điều gì đó quá ư là kỹ. Mượn thói quen “Im ỉm như mèo ăn vụng” để ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.

Thương mèo nhất là khi nói về hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét thì dân gian nói đồ “Mèo mả gà đồng”. Tương đồng với thành ngữ này là câu: “Mèo hoang lại gặp chó hoang / Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”. Và đặc biệt, do quan niệm mê tín, người ta cho rằng tự dưng mèo đến nhà thì thường mang lại điều xui sẻo: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”.

Về mối quan hệ của mèo với các con vật khác có vẻ cũng không… ổn lắm.
Trước hết là quan hệ với chó. Mèo với chó thường tranh giành thức ăn của nhau, cắn xé nhau. Chính vì vậy mà khi anh em trong gia đình hay mâu thuẫn, cãi lộn nhau, bố mẹ hay so sánh: “Anh em như chó với mèo”. Nhưng có lẽ mối quan hệ giữa chuột và mèo mới là điểm không thể bỏ qua. Người ta cho rằng đó là “mối thù truyền kiếp”. Đa số khi nói đến chuột là người ta nhắc đến mèo, và ngược lại: “Con mèo, con méo, con meo / Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà”. Nói về “thâm tình” này, người ta hay nhắc đến câu đồng dao trào lộng: “Con mèo mà trèo cây cau / Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà / Chú chuột đi chợ đàng xa / Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”.

Mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, triết lý nhân sinh

Song song với nhận định trên, tác giả dân gian đã mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, đúc kết những triết lý sống ở đời.

Trước hết, đó là kinh nghệm cảnh giác khả năng ăn vụng của mèo bằng cách “Chó treo, mèo đậy” hoặc “Mỡ (chớ để) để miệng mèo”. Nhiều nhất là mượn hình ảnh của mèo để gởi gắm, đúc kết hoặc phê phán những thói hư ở đời. Chẳng hạn như, khi ai đó tự đắc về tài cán của mình, quá tự tin vào khá năng chắc thắng của mình, dân gian nhắc: “Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào”. Câu này ý nói mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai. Từ công việc của mỗi loài: “Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”, dân gian khái quát: ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau, và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau. Nhận định “Không có chó bắt mèo ăn cứt” ý nói phải dùng một người trong một tình huống bất đắc dĩ, không đúng với sở trường, khả năng của người đó. Khi bắt tay vào việc, dân gian khuyên rằng “Mèo nhỏ bắt chuột con”. Câu này ngụ ý nhắc nhở hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại thôi. Do vậy mà khi nói về ai đó làm một việc nguy hiểm, liều lĩnh, dân gian nói “Chuột cắn dây buộc mèo” hoặc “Chuột gặm chân mèo”. Để phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người, dân gian nói “Chó chê mèo lắm lông”. Một người tài thô trí thiển mà muốn cáng đáng việc lớn lao quá sức mình, không đúng với khả năng cho phép dân gian nói “Mèo vật đụn rơm”. Còn những người không có tài cán gì, nhưng lại đòi hỏi quyền lợi cao thì dân gian lại phê phán “Mèo miệng đòi ăn xôi vò”. Những người không có tài năng đi lang thang, vơ vẩn thì bị dân gian chê là “Chó khô mèo lạc”. Hình ảnh “Mèo mù móc cống” được dân gian mượn để chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai. Câu nói quen thuộc “Mèo khen mèo dài đuôi” thực ra, còn một vế nữa “Chuột khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo”. Câu này ý chê trách ai đó quá tự cao, tự hào về bản thân. Suy tư về chuyện quyền chức, địa vị thì mượn tương quan của cọp với mèo: “Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt”. Càng mất quyền lợi ở địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.

Dân gian khá dị ứng với những người đàn bà bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn, phải về nhà cha mẹ ruột, thay vì chỉ còn biết âm thầm sống đến già, không mong được ai cưới hỏi nữa, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh giá mình. Họ phê phán rất tinh tế “Mèo lành ai nỡ cắt tai / Gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi?”. Tương đồng với nhận định này là câu “Mèo lành chẳng ở mả, Ả lành chẳng ở hàng cơm”. Từ đó, dân gian gởi gắm những bài học trong quan hệ vợ chồng: “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt / Vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai”. Câu này có ý khuyên các ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc.

Trên đây là vài phác thảo về chân dung con mèo trong kho tàng văn hóa dân gian. Bức tranh chung về mèo là… mất điểm. Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng, mèo đã / đang làm vật hy sinh, làm tấm bia để cho chúng ta thấy rõ những vấn đề của cuộc sống để từ đó mà sống tốt, sống vui ở đời hơn. Đây cũng là tâm nguyện và mong ước của chúng tôi khi viết những dòng này.
↑Lên đầu trang↑
[Trang Chủ] [Tâm Sự Người Cha] [Hình ảnh] [Tải nhạc cho bé] [Kiến thức] [Liên hệ (chat)]
U-ON