Insane
Chào Mừng Bạn Đến Với Website Của Vũ Thị Mai Anh [vuthimaianh.wap.sh]
WAP TRẺ THƠ
Xuống cuối trang
Hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Bính

Ai trong chúng ta cũng đều có hình ảnh người mẹ. Hình ảnh này có thể rõ nét hay mờ nhạt tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Có người may mắn ngay từ tuổi ấu thơ được nằm trong vòng tay từ mẫu và nghe những lời ngọt ngào để đi vào giấc mơ hồng:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh!

Cũng có kẻ kém may mắn, xa mẹ từ lúc nằm nôi, cho tới lúc trưởng thành kho tàng tình cảm nơi mình đã thiếu một nguồn vốn vô cùng quý báu.
Nhìn chung, Lời mẹ dặn mà Phùng Quán tâm niệm, hay tiếng ru của mẹ hiền gắn bó suốt đời với mỗi người như nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết:

Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông…



Chúng ta thường nhớ mẹ trong ngày giỗ lúc cầm nén hương khấn vái, chúng ta thường thốt lên hai tiếng “mẹ ơi!” khi cô đơn hay lúc đau đớn, nhưng đa số chúng ta khó nói hết xúc động của bản thân về mẹ mình phần vì vốn liếng ngôn ngữ nghèo túng hoặc do diễn tả vụng về. Vì thế chúng ta cần những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ... Họ có rung động bén nhạy, phong phú và khả năng phô bày cảm xúc khéo léo, nên đã thay chúng ta nói về mẹ. Đó là lúc người ta ứa lệ khi nghe nhạc phẩm Lòng mẹ của Y Vân hay đọc lại bài Nắng mới của Lưu Trọng Lư hoặc theo gót Thanh Tịnh nhớ lại buổi học đầu tiên được mẹ dắt tay tới trường làng Mỹ Lý.
Năm nay, ngày dành cho mẹ hiền đã tới, chúng ta thử đọc lại thơ Nguyễn Bính để tìm bóng dáng một bà mẹ quê gắn bó suốt đời với một thi sĩ “chân quê” như Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính có lẽ là một trong những nhà thơ nhắc tới hình bóng mẹ nhiều nhất khi làm thơ. Người mẹ xuất hiện trong những trang thơ đầu đời cho tới những vần thơ cuối đời của tác giả.
Trong Lỡ bước sang ngang mượn lời người chị trước khi lấy chồng nơi quê xa, đã dặn dò em nhỏ, ông viết:

Em ơi em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương!
Mẹ già một nắng hai sương.
Chị đi một bước trăm đường xót xa!
Cậy em, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương!

Tuy vậy, con thương mẹ sao sánh bằng lòng mẹ thương con lúc tiễn con lên đường vu quy:

Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi!
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi!

Sau 1954, Nguyễn Bính trở lại miền Bắc sau những năm tháng đi tìm ảo ảnh của đời mình và tới lúc tỉnh giấc chiêm bao, nhà thơ đã nếm trải nhiều cuộc tình với nhiều người phụ nữ kể cả người vợ ông bỏ lại trong Nam. Lúc này ông có cơ hội cảm xúc trước những hình ảnh bình dị của đời thường nên đã vẽ ra một bức tranh mẹ ru con tuyệt đẹp:

Bên thềm chiếc võng nhẹ đưa
Mẹ ru bé ngủ giữa trưa mùa hè
Dịu dàng bé khép làn mi
Hồ Tây gió thoảng bay về hương sen
Thơm thơm giấc ngủ êm đềm
Chúm đôi môi nhỏ, bé tìm sữa tươi
Mẹ buông dây võng ra rồi
Ngây thơ bé vẫn nhoẻn cười trong mơ!

Đi sâu hơn trong việc đi tìm bóng dáng người mẹ trong thơ tác giả Tâm hồn tôi chúng ta không thể không đọc bài Tết của mẹ tôi:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều
Sân gạch tường hoa người quét lại
Vẽ cây trừ quỷ, trồng cây nêu

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa!”
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.

Nay là hăm tám tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
Sắm sửa đồ lễ về việc tết
Mẹ tôi đi buổi chợ hôm nay.

Không như mọi bận người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.

Giết lợn đồ xôi, lại giết gà
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua
Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức
Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba

Mẹ tôi gọi cả các em tôi
Đến bên mà dặn: “Sáng sớm mai
Các con phải dậy sao cho sớm
Đầu năm năm mới phải lanh trai.

Mặc quần, mặc áo lên trên nhà
Thắp hương thắp nến lễ ông bà
Chớ có cãi nhau, chớ có quấy
Đánh đổ đánh vỡ như người ta...”

Sáng ngày mồng một sớm tinh sương
Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi, nước đượm hương

Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực viết lên trên
Trên đó những gì tôi chẳng biết
Giữa đề năm tháng, dưới đề tên.

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi
Rón rén lên bàn thờ ông tôi
Đôi mắt người trông thành kính quá
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu
Mặt người đỏ tía vì hơi men
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

Tôi mặc một chiếc quần mới may
Áo lương, khăn lượt, chân đi giày
Cho tôi sang lễ bên quê ngoại
Người dặn con đừng uống rượu say.

Xong ba ngày tết mẹ tôi lại
Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con
Rồi một đôi khi người dậm gạo
Chuyện trò kể lại tuổi chân son.

Người mẹ trong thơ Nguyễn Bính là bức họa điển hình của cô gái Việt Nam thời xưa mà Trần Tế Xương đã vẽ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân có nơi bãi vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông!

Và sau này lại được Hồ Dzếnh cực tả trong bài Cảm xúc:

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi!

Tuy nhiên, ít người biết Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ lúc còn nằm nôi. Bà mẹ trong Tết của mẹ tôi và trong nhiều bài khác chỉ là bà kế mẫu của ông mà thôi
Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ. Thân mẫu ông, Bùi thị Miện, một phụ nữ quê ở thôn Vân thuộc xã Đồng Đội, nổi tiếng về nhan sắc và đức hạnh, lấy nhà nho Nguyễn Đạo Bình, làng Thiện Vịnh cùng trong huyện Vụ Bản từ tuổi đôi tám và sinh được ba người con trong đó Nguyễn Bính là con út.
Một buổi tối bà xuống ao rửa chân bị rắn độc cắn, mất lúc 24 tuổi, để lại ba con thơ dại, lớn nhất 6 tuổi là nhà thơ Trúc Đường và nhỏ nhất là Nguyễn Bính mới chưa đầy một năm.Thân phụ của Nguyễn Bính phải lập kế thất và sinh được thêm bốn người con nữa (hai trai, một gái). Như thế, người mẹ trong bài Tết của mẹ tôi là bà kế mẫu chứ không phải mẹ ruột như nhà thơ đã từng tâm sự trong bài Nhà tôi:

Thầy tôi dạy học chữ nho
Dạy năm ba đứa học trò loanh quanh
Có gì tiếng cả nhà thanh
Cơm ăn đủ bữa, áo lành đủ thay
Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm, giời đày làm thơ

Tuy nhiên, do được mẹ kế săn sóc ngay từ lúc mới ra đời, nên hình ảnh bà mẹ hiền này đã in đậm trong tâm hồn nhà thơ đa cảm.
Ngoài ra, còn một lý do khiến Nguyễn Bính nặng tình mẫu tử. Đó là tình quê và nhờ tình quê bồi đắp thêm cho tình mẫu tử. Tiểu sử Nguyễn Bính cho biết: chín mười tuổi nhà thơ đã rời quê nội là Thiện Vịnh sang quê ngoại thôn Vân và ở đây, ông đã được bên ngoại nuôi dưỡng cho tới lúc trưởng thành theo anh lên Hà Nội và từ đó dấn bước vào cuộc giang hồ vào một năm cuối của thập niên 30 thế kỷ trước. Phải chăng dù ông không có may mắn được ôm ấp trong vòng tay từ mẫu từ thuở sơ sinh nhưng quê ngoại đã nâng niu, đùm bọc ông, nên lòng gắn bó với quê mẹ đã là một yếu tố thầm kín tô đậm chân dung mẹ hiền trong tâm trí ông?
Một điểm đặc biệt ở Nguyễn Bính là trong thơ ông không có sự phân biệt giữa thân mẫu và kế mẫu. Cũng trong thơ của ông, hai hình ảnh mẹ và cha luôn luôn gắn bó.
Do đó, khi lận đận nơi tha hương và nhớ quê nhà trong đêm mưa:

Một thân lận đận nơi trời xa
Nằm nghe mưa rơi trên mái nhà

Hay vào lúc tình hoài hương lai láng dâng cao lúc xuân về:

Xuân tới khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay!

Thì hình bóng thân yêu hiển hiện trong tâm tư thi nhân là cả cha lẫn mẹ. Khi ấy nhà thơ đã cảm xúc viết “thư cho thầy mẹ”:

Ai về làng cũ hôm nay
Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi! Thầy mẹ ơi!
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!..

Câu làm cho nhiều viễn khách xa quê, đôi lúc đọc lại Truyện Kiều thông cảm với tâm sự nàng Kiều lúc luân lạc tha phương nhớ mẹ già tựa cửa chờ mong:

Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Thì lòng ân hận nổi lên. Đó lá lúc kẻ sĩ tự trách là “con hư”. Cũng có kẻ vì lý tưởng mà đành hy sinh tình thân như Đằng Phương từng viết:

Éo le thay muốn phụng sự quê hương
Phải giẫm nát bao lòng mình kính mến

Hoặc vì đam mê mà quên việc nhớ cha nhớ mẹ:

Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...

Lời tái bút trong thư tuy đơn sơ với vài chi tiết nhưng lại nồng nàn tình quê và tình mẹ:

Xin thầy mẹ cứ yên tâm
Đừng thương nhớ, một vài năm con về
Thầy ơi đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng
Nhớ thương thầy mẹ khôn cùng
Lạy thầy lạy mẹ thấu lòng cho con.

Tuy dặn dò như thế nhưng vào Nam từ một năm đầu thập niên 40 tới 1954 nhà thơ mới có dịp trở về Bắc lúc cha mẹ nhà thơ đều khuất bóng từ lâu. Tình mẫu tử chỉ còn là kỷ niệm quấn quýt với hình ảnh người xưa cảnh cũ:

Mẹ cha khuất bóng mấy năm tròn
Vườn táo cô mình đã bốn con
Nhớ thuở hội xuân chèo dóng trống
Xin mình giấy đỏ đánh môi son!

Không ai trách nhà thơ đam mê, không ai trách kẻ lãng du đa tình đi tìm vui khắp bốn phương trời mà quên người tựa cửa chờ mong. Không những thế chúng ta còn cám ơn nhà thơ đã giúp ta tô điểm chân dung người mẹ vĩ đại, cao quý bằng những nét son không bao giờ phai mờ.
↑Lên đầu trang↑
[Trang Chủ] [Tâm Sự Người Cha] [Hình ảnh] [Tải nhạc cho bé] [Kiến thức] [Liên hệ (chat)]
U-ON