Chào Mừng Bạn Đến Với Website Của Vũ Thị Mai Anh [vuthimaianh.wap.sh]
WAP TRẺ THƠ
Xuống cuối trang
Ngày lễ dành cho người cha hay "Ngày Hiền Phụ" đã tới, mục Gìn vàng giữ ngọc không quên nhờ văn chương vẽ lại hình ảnh xuân đường vốn có vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người của nhiều thế hệ.
Một câu hỏi thường đặt ra, tại sao bóng dáng mẹ hiền được nhiều nhà thơ ca ngợi hơn hình ảnh người cha trong khi công cha, nghĩa mẹ khó bề cân nhắc bên nào nặng nhẹ?
Nghĩ cho cùng người mẹ vốn gắn bó với chúng ta về mặt tình cảm, gần gũi với chúng ta từ thuở mang thai cho tới lúc ta trưởng thành.

Còn người cha vừa gắn bó lại vừa độc lập với ta, tượng trưng cho lý trí, cho tư tưởng và là tấm gương cho ta trọn đời. Đứa trẻ nhìn người cha muôn vàn tôn kính, coi đó là khuôn mẫu vẹn toàn cho châm ngôn sống và cho hành động. Thế mà tình cảm là chất liệu của thơ ca, còn lý trí là bó đuốc soi hành động. Do đó nhà thơ vốn đa cảm đa sầu, nhớ tới dĩ vãng là hồi ức tới mẹ hiền và khi cần có quyết định quan trọng trong đời là nhớ tới lời cha dạy.
Nói rộng hơn, tục ngữ có câu "con có cha như nhà có nóc" và gọi theo tâm-phân-học thì người cha là hình ảnh tượng trưng, một thứ "imago paternelle" (father-imago) cần thiết cho mỗi trẻ trong quá trình trưởng thành. Tâm lý học tin rằng, trong trí trẻ thơ một cách vô thức đã xây dựng bản ngã theo hình tượng người cha và sau khi trưởng thành ở mỗi người chúng ta thấp thoáng hình ảnh từ phụ trước mắt, sẵn sàng chỉ bảo cho ta chọn lựa giá trị và hành động trước cuộc đời muôn ngả và bộn bề thử thách.
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có một người cha và muốn hết lời ca ngợi, nhưng cảm xúc của chúng ta thường phân tán, ngôn ngữ của chúng ta đôi khi nghèo nàn, nên dù muốn vẫn khó vẽ nổi hình ảnh thân thương của cha già.
Cũng không phải chỉ những người cha vĩ đại mới được con cái ca tụng. Người cha bình thường nào cũng để lại dấu vết nơi con cái nhưng trong cái bình thường cũng có tác dụng sâu xa và đằm thắm không khác gì nét son mà vĩ nhân để lại trong lòng thế hệ sau.
Như đã nói trên, các thi nhân có ưu điểm về tình, về lời nên dù chỉ bằng những nét đơn sơ đã mô tả được chân dung rất chân chất, đạm bạc của một người cha dù chỉ là một nông dân nơi quê nghèo.
Nhà thơ Nguyễn Duy, xuất thân từ ruộng đồng, cuối năm 1986, trở về quê gặp lại mái tranh xưa, đất cằn ngày cũ và cha mẹ già nua, đói khổ, đã viết về người cha cần cù, giản dị và nhân hậu lúc nào cũng lạc quan với lòng thương con vô bờ bến dù không nói ra lời:

Cha ta cầm cuốc trên tay
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng còng bạc nắng, thâm mưa
Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì.

Không răng cha vẫn cười khì
Rượu tăm còn để dành khi con về
Ngọt ngào một chút men quê
Cay tê cả lưỡi, đắng tê cả lòng!

Nguyễn Bính khi xa quê hương trong những chuyến "giang hồ vặt" vào tận miền Trung và miền Nam, nhớ tới người cha, ông đồ Nguyễn Đạo Bình, một nhà Nho lỡ thời, là tưởng tới công ơn kẻ đã dạy thi nhân làm người theo tiêu chuẩn:

Nhà ta coi chữ hơn vàng,
Coi tài hơn cả giàu sang ở đời

Hơn nữa, thân phụ ông cũng là người đầu đời gieo nguồn thi tứ và làm nảy mầm cảm xúc về cái đẹp nghệ thuật nơi ông. Nhà thơ làm sao quên ngày thơ ấu, nhân dịp tân xuân, cụ Đồ Nguyễn đã khai bút như thế nào:

Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực viết lên trên...

Và những lúc ưu thời mẫn thế, cụ Đồ lại ngâm thơ khiển hoài:

Cha già ngừng chén biếng ngâm thơ
Đưa mắt nhìn theo hút dặm mờ
Xe ngựa người về tung cát bụi
Con mình không một lá thư đưa.

Vào 1945, sau ba bốn năm xa nhà, trôi giạt vào tận Hà Tiên, Rạch Giá, tự nhiên lòng du tử ân hận không thực hiện được kỳ vọng của cha đặt vào mình và Nguyễn Bính nhỏ lệ:

Nghìn lạy cha già lượng thứ cho
Trót thân con vướng nợ giang hồ
Lòng son bán rẻ vào sương gió
Lãi được gì đâu? Đã mấy thu!

Mộït chút công danh rất hão huyền
Và dang dở nửa cuộc tình duyên
Thu sang, quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen.

Cùng một thế hệ với Nguyễn Bính, một nhà thơ khác, Thâm Tâm khi nghĩ tới thân phụ một Nho gia "sinh bất phùng thời", cũng đã cảm hoài cho cha già và nhân đó cảm thán cho hoàn cảnh mình trong bài Tráng ca:

Sinh ta, cha ném bút rồi
Rừng Nho tàn tạ cho đời sang xuân

Trở lại các vĩ nhân trong lịch sử. Nhiều bậc anh hùng, nghĩa sĩ dám hy sinh tất cả để thực hiện lý tưởng thường theo gương trung hiếu của người cha.
Cuối đời Trần, khi quân xâm lược phương Bắc tràn sang nước ta, Đặng Tất đã khởi binh kháng giặc Minh, một lòng vì nhà Trần mà mất mạng. Kế tiếp, con là Đặng Dung tiếp tục nối chí cha già phù Trần, phá nghịch lỗ dù gặp nhiều nghịch cảnh cho tới khi sức cùng lực kiệt phải hy sinh tính mạng:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long tuyền đới nguyệt ma
(Nợ nước chưa đền đầu sớm bạc
Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài!)

Cuối đời nhà Hồ, mấy ai quên được đại anh hùng, đại văn hào Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh.
Nguyễn Phi Khanh là một hiển Nho làm quan dưới triều nhà Hồ và khi Hồ bị giặc Minh diệt thì Phi Khanh và nhiều danh Nho của ta khi ấy bị giặc bắt giải về Kim Lăng. Sử chép rằng Nguyễn Trãi vì chữ hiếu đã định theo cha sang nơi đất khách để phụng dưỡng phụ thân, nhưng Nguyễn Phi Khanh nhất định phản đối. Cuối cùng nghe lời cha dặn, ông đã quay về Nam và tìm tới Lam Sơn khuông phù Bình định vương Lê Lợi phất cờ diệt rợ xâm lăng. Bi hùng kịch cha con từ giã nơi Ải Nam Quan đã được nhà thơ Hoàng Cầm trình bày trong kịch thơ Hận Nam Quan. Sau đây là những lời dặn dò của trung thần với hiếu tử:

Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ ụp xuống đầu xanh.
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được ngàn thu

Những lời tâm huyết của Nguyễn Phi Khanh đã là kim chỉ nam cho Nguyễn Trãi trả gia thù, quốc hận và viết nên thiên văn chương bất hủ Bình ngô đại cáo sau khi đánh tan quân phương Bắc tham tàn.
Những giai thoại trên đã cho thấy người cha có vai trò quan trọng trong việc đào tạo đứa con nên người như thế nào.
Từ thế giới phi thường của vĩ nhân trở lại cuộc đời bình thường của người dưới phố, thì trong văn học hiện đại chẳng mấy ai quên tên tuổi nhà thơ Lê Đạt.
Lê Đạt (1929-2008) là một kiện tướng trong phong trào Nhân văn-Giai phẩm hồi thập niên 50 thế kỷ trước.
Ngay từ lúc còn trẻ người thanh niên có tên là Đào Công Đạt đã rời quê hương Bắc giang dấn thân vào cuộc chiến chống Pháp và sau 1954 cũng vì lý tưởng tự do và chính nghĩa chống gian tà, ông đã can đảm gia nhập phong trào đòi tự do cho văn nghệ và công bằng cho xã hội, nên đã phải trả bằng một giá rất đắt là nhục nhã và đày ải hơn ba chục năm trời. Nhờ đâu Lê Đạt có khí phách như thế? Phải chăng chính tấm gương sáng làm người sao cho không hèn do người cha của thi sĩ truyền lại?

Đất quê cha tôi
đất quê Đề Thám
Rừng rậm sông sâu
Con gái cũng theo đòi nghề võ

Người cha này từ nhỏ đã nuôi chí khí vẫy vùng:

Ngày nhỏ
cha tôi dẫn đầu
lũ trẻ chăn trâu
Phất ngọn cờ lau
Vào rừng Na Lương đánh trận
Mơ làm Đề Thám

Lớn lên đau đớn vì quốc hận và ôm mộng vì đời:

Lớn lên
cha tôi đi dạy học
gối đầu lên cuốn Chiêu hồn nước
Khóc Phan Chu Trinh
Như khóc người nhà mình
Ôm mộng bôn ba hải ngoại
Lênh đênh khói một con tàu
Sớm tốâi
Ngâm nga mấy vần cảm khái
Đánh nhau với Tây...

Nhưng vì hoàn cảnh ông ta thất chí, "trai trẻ bao năm mà đầu bạc" nên chỉ còn cách mang hoài bão, tâm huyết và khí khái của mình dặn bảo con thơ:

Gần hai mươi năm trời
Tôi vẫn nhớ lời cha tôi cháy bỏng
Dạy tôi
làm thơ
ước mơ
hy vọng

Những câu Kiều say sưa
Đưa cuộc đời bay bổng
Tiếng võng
Trưa hè mênh mông
"phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì"...
"Muốn sống thanh cao
đi lên trời mà ở
Mày đã quyết kiêu căng
Níu lấy cái lương tâm gàn dở
Dám
Không tồi như chúng tao
Suốt đời mày sẽ khổ!"...

Nhà thơ đã tâm niệm bài học làm người dù biết trước sẽ phải chịu muôn vàn thử thách đắng cay, khốn khổ nhất:

Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương
Kiên quyết làm người.

Không nên quên, dù một người cha không phải là một danh nhân suốt đời vì khoa học hay nghệ thuật... hoặc một anh hùng hay nghĩa sĩ trọn cuộc sống hy sinh cho dân tộc thì dấu ấn nơi họ để lại trong tâm trí con cái cũng đủ là khuôn vàng thước ngọc cho chúng làm người. Nếu họ không là biểu tượng cho mọi người tôn thờ thì cũng là chân dung tôn quý nhất cho mỗi người chúng ta.
"Lời cha dạy" khắc sâu trong tâm Lê Đạt, có khác chi "lời mẹ dặn" văng vẳng bên tai Phùng Quán, một nhà thơ khác thừa dũng khí để dùng cây viết phụng sự chân lý trong nhóm Nhân văn Giai phẩm. Ngẫm cho kỹ công đức sinh thành và dưỡng dục trả bao giờ và bằng cách nào cho xong?
↑Lên đầu trang↑
[Trang Chủ] [Tâm Sự Người Cha] [Hình ảnh] [Tải nhạc cho bé] [Kiến thức] [Liên hệ (chat)]
U-ON

XtGem Forum catalog